Thống kê truy cập
Đang online: 12
Hôm nay: 152
Trong tuần: 3016
Trong tháng: 14067
Tổng truy cập: 2087329

CHỈ THỊ CỦA BAN BÍ THƯ VỀ TĂNG CƯỜNG SỰ LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG ĐỐI VỚI CÔNG TÁC CHỐNG KHAI THÁC THỦY SẢN BẤT HỢP PHÁP, KHÔNG BÁO CÁO, KHÔNG THEO QUY ĐỊNH VÀ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG NGÀNH THỦY SẢN

Thứ Năm 31/10/2024 14:33 
23

Nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định và phát triển bền vững ngành thủy sản, ngày 10/4/2024 Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 32-CT/TW để đẩy mạnh công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, bảo đảm phát triển bền vững ngành thủy sản, Ban Bí thư yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội tập trung thực hiện tốt các nhóm nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách. Đó là, xác định công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, có ý nghĩa lâu dài đối với phát triển bền vững ngành thủy sản. Đồng thời là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.

Cụ thể, xác định công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, có ý nghĩa lâu dài đối với phát triển bền vững ngành thủy sản; là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, trước hết là các cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu ở ngành, địa phương có trách nhiệm trực tiếp đối với công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tạo sự thống nhất, đồng bộ, quyết tâm cao thực hiện mục tiêu gỡ cảnh báo "Thẻ vàng" trong năm 2024 và duy trì kết quả bền vững, góp phần phát triển kinh tế - xã hội; bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền biển, đảo; tăng cường quan hệ chính trị, ngoại giao, vị thế của Việt Nam với quốc tế.                                             

Tàu cá của ngư dân tỉnh Bình Thuận đang neo đậu trong cảng

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên, doanh nghiệp và cộng đồng ngư dân ven biển, hải đảo về phát triển bền vững ngành thủy sản, chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định. Chú trọng công tác vận động, nắm tình hình, kịp thời phát hiện từ sớm, từ xa, ngăn chặn ngay từ trong bờ tàu cá và ngư dân cố ý vi phạm, nhất là khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.

Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, hội quần chúng, các cơ quan báo chí trong công tác vận động, tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, ý thức chấp hành pháp luật, kịp thời phản ánh vi phạm, biểu dương, khen thưởng tổ chức, cá nhân thực hiện tốt chủ trương, chính sách, pháp luật về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp góp phần sớm gỡ bỏ cảnh báo "Thẻ vàng" theo mục tiêu đề ra.

Thực hiện có hiệu quả nghị quyết, chủ trương của Đảng về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; các quy hoạch, chiến lược, chương trình quốc gia liên quan đến phát triển bền vững và hội nhập quốc tế ngành thuỷ sản. Khẩn trương rà soát, hoàn thiện chính sách, pháp luật, bổ sung chế tài xử lý nghiêm vi phạm; khắc phục kịp thời hạn chế, bất cập, nâng cao hiệu quả công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định. Chú trọng chính sách nuôi trồng, khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản, bảo quản, chế biến phục vụ xuất khẩu; có chính sách hỗ trợ hiện đại hóa nghề cá, cải thiện sinh kế, đào tạo nghề, tạo điều kiện cho ngư dân vươn khơi, bám biển, nâng cao cuộc sống.

Nâng cao năng lực quản lý nhà nước trong công tác chống khai thác thuỷ sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định; bảo đảm công cụ, phương tiện phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm của các lực lượng chấp pháp trên biển. Tổng rà soát, thống kê số lượng tàu cá và thường xuyên cập nhật cơ sở dữ liệu tàu cá quốc gia; tăng cường quản lý tàu cá, tàu công vụ thủy sản, cảng cá, đội tàu, xử lý dứt điểm tình trạng tàu cá không giấy phép, không đăng ký, không đăng kiểm; thực hiện nghiêm việc xác nhận, chứng nhận và truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác. Bảo đảm số lượng tàu cá và cường lực khai thác phù hợp với trữ lượng nguồn lợi thủy sản trên các vùng biển; giám sát được 100% sản lượng thuỷ sản khai thác trên biển, tại cảng; không có sản phẩm thủy sản bất hợp pháp xuất khẩu ra nước ngoài.

Kiện toàn, nâng cao năng lực, ý thức trách nhiệm cho lực lượng Kiểm ngư và các cơ quan chức năng quản lý hoạt động thủy sản, thực hiện công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định; tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát, thực thi pháp luật, xử lý triệt để các hành vi vi phạm; kịp thời điều tra, truy tố, xét xử nghiêm các vụ, việc môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân Việt Nam đi khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài, hợp thức hóa hồ sơ đối với các lô hàng xuất khẩu; tổ chức các đợt cao điểm tuyên truyền, tuần tra, kiểm tra, kiểm soát.

Quan tâm đầu tư nguồn lực nhà nước; khuyến khích xã hội hóa, hợp tác công tư phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật, hạ tầng thủy sản. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số trong nuôi trồng, khai thác thủy sản, thiết lập chuỗi sản xuất bền vững, hệ sinh thái toàn diện, tạo môi trường thuận lợi cho ngành thủy sản phát triển lâu dài, có uy tín, khả năng cạnh tranh cao, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, thích ứng biến đổi khí hậu, thân thiện với môi trường. Đồng thời, chú trọng bảo tồn, bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản; phát triển ngành thủy sản phải gắn với bảo đảm an sinh xã hội, sinh kế bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của ngư dân và người lao động có liên quan; xây dựng thế trận quốc phòng, an ninh trên biển, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Đồng thời, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, nhất là với các nước Châu Âu và EU, tăng cường biện pháp ngoại giao, tranh thủ sự ủng hộ của các bên liên quan để sớm gỡ cảnh báo "Thẻ vàng"; không để tàu cá, ngư dân khai thác bất hợp pháp tại vùng biển nước ngoài ảnh hưởng đến quan hệ với các nước. Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài phối hợp với các cơ quan chức năng trong nước thu thập hồ sơ, tài liệu, bản án, quyết định xử lý của nước sở tại đối với tàu cá, ngư dân vi phạm để phục vụ công tác điều tra, xử lý và bảo hộ công dân; kịp thời đấu tranh ngoại giao đối với việc tàu cá, ngư dân Việt Nam không vi phạm khai thác bất hợp pháp bị lực lượng chức năng nước ngoài bắt giữ, xử lý tại những vùng biển chồng lấn, tranh chấp, chưa phân định với các nước. Thúc đẩy đàm phán, ký kết phân định ranh giới vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa giữa Việt Nam và các nước./.

-         Huyền -